Thông tin giới thiệu
Sau khi lên ngôi, triều đình nhà Thanh cử Trịnh Hòa làm sứ thần đi khắp các nước Đông Nam Á thương thuyết với triều đình các nước sở tại tạo điều kiện dễ dàng cho bộ phận Hoa kiều làm ăn, sinh sống. Sau khi Trịnh Hòa mất, vua nhà Thanh ban sắc phong thần với mỹ danh Bổn đầu công và Hoa kiều các nước Đông Nam Á xem ông là vị phúc thần cai quản về an cư lạc nghiệp. Như vậy, tín ngưỡng thờ Ông Bổn không có ở lục địa Trung Hoa mà chỉ hiện diện trong cộng đồng Hoa kiều di cư đi các nước.
Ảnh: BÁ THI
Người Hoa tại Trà Vinh cư trú rải rác nhưng có sự tập trung nhất định tại thành phố Trà Vinh, huyện Cầu Kè và huyện Trà Cú. Tín ngưỡng (và lễ hội truyền thống) người Hoa tồn tại hàng trăm năm, tạo ra sắc thái văn hóa dân tộc riêng và góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Trà Vinh. Trong đó, nổi bật là tín ngưỡng thờ Ông Bổn (vị thần cao quản việc an cư lạc nghiệp) với Vu lan thắng hội ở Cầu Kè, tín ngưỡng thờ Ông Bảo (vị thần cai quản về sức khỏe, sinh sản) với Nguyên tiêu thắng hội ở Trà Cú và tín ngưỡng thờ Quan Thánh đế (vị thần biểu trưng đạo đức truyền thống Trung Hoa) với Nguyên tiêu thắng hội tại thành phố Trà Vinh.
Truyền thuyết về Ông Bổn khi về vùng đất Cầu Kè có sự biến đổi nhất định so với nguyên bản. Đồng bào người Hoa tại vùng đất này ít quan tâm tới vai trò Trịnh Hòa mà tôn thờ bốn anh em kết nghĩa, tương truyền có công đưa thế hệ Triều Châu đầu tiên di cư đến vùng đất ven Sông Hậu này và khi mất đều hiển thánh. Trong đó, Minh Ðức Cung (chùa Giồng Lớn, xã Hòa Ân) thờ ông Nhứt; Vạn Ứng Phong Cung (chùa Giữa, xã Hòa Ân) thờ ông Nhì; Vạn Niên Phong Cung (chùa Chợ, thị trấn Cầu Kè) thờ ông Ba và Niên Phong Cung (chùa Cây Sanh, xã Tam Ngãi) thờ ông Tư.
Ngoài ra, trên địa bàn Cầu Kè còn có hai ngôi chùa thờ Ông Bổn nữa là Vạn Đức Phong Cung (Tam Ngãi) và Thiên Đức Cung (Hòa Ân) cùng một số ngôi chùa cùng loại rải rác các huyện trong tỉnh.
Lễ hội cúng Ông Bổn Cầu Kè hay còn gọi là Vu lan thắng hội, diễn ra từ 25 - 28 tháng Bảy âm lịch, mà người dân Cầu Kè hay nhắc nhau qua câu thiệu: “Hai lăm vào đám, Hai tám ra giàn”, địa điểm chính là Vạn niên phong cung còn gọi là Chùa Chợ (vì gần chợ Cầu Kè), tọa lạc tại Khóm 1, thị trấn Cầu Kè.
Trong 04 ngày lễ hội có đến 20 lễ thức liên hoàn nhau trong một lịch bản rất chặt chẽ.