Cù Lao Dung là một trong những vùng đất có rất nhiều tên gọi như Huỳnh Dung Châu, Hổ Châu, Kắc Tung, Cù Lao Vuông, Cù Lao Chằng Bè,… Nơi đây, Nguyễn Ánh cùng tùy tùng từng nương náu dọc theo những con rạch nhỏ, ngoằn ngoèo, len lỏi vào sâu trong cù lao, vì thế địa danh rạch Long Ẩn đã hình thành từ đây.
Dải cù lao rộng hơn 23 nghìn héc ta, nổi tiếng là một vùng đất anh hùng, giàu truyền thống cách mạng. Du lịch Cù Lao Dung là đến với những vườn cây ăn trái sum suê trĩu quả bốn mùa, những rẫy mía bạt ngàn, những vuông tôm thẳng tắp, những rặng rừng bần vững vàng nơi sóng gió,… tất cả nên nét đẹp riêng độc đáo.
Hồ nuôi tôm của người dân
Nơi đây có khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm được bao bọc bởi bốn bề sông nước. Nhiệt độ trung bình ở Cù Lao Dung luôn thấp hơn các vùng lân cận một vài độ C. Không khí luôn trong lành với những cơn gió mát mang hơi nước từ sông Hậu đưa vào, không bị ảnh hưởng bởi những khói bụi ồn ào của các nhà máy. Đây thật sự là một vùng quê thanh bình yên ả là địa điểm du lịch Sóc Trăng rất phù hợp với những người thích thiên nhiên và thư giãn sau những ngày làm việc mệt mỏi.
Làng quê yên bình
Cù Lao Dung có hệ thống sông rạch chằng chịt, hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động vật, thực vật phong phú. Tới đây, du khách có thể đi thuyền, luồn lách qua những kênh rạch chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên hai bên.
Du khách thích thú khi ngồi thuyền luồn lách qua những kênh rạch
Ở đầu dãy cù lao, du khách sẽ bị ngỡ ngàng, lôi cuốn bởi những vườn cây ăn trái oằn sai nằm ở xã An Thạnh Nhứt và An Thạnh Tây. Cây trái nơi đây có rất nhiều chủng loại với hương vị đặc trưng, ngọt ngào, nồng đượm khó quên như: xoài, nhãn, bưởi, cam, quýt, mãng cầu, sapô (hồng xiêm), măng cụt, dâu, mận, ổi, dừa, chuối….Trong đó, có một loại trái cây đặc sản mà khi đến đây, du khách rất thích thú và thường mua về làm quà, đó là Xoài. Đây là giống xoài mới được trồng khoảng chục năm trở lại đây trái rất to, khoảng từ 1 đến 2kg, võ có màu tím, vàng, xanh rất đẹp và hương vị rất thơm ngon.
Xoài xứ cù lao
Xuôi về phía cuối dãy cù lao, du khách sẽ thích thú khi ngắm nhìn những cánh đồng mía thênh thang xen lẫn hàng dừa cao xanh mướt, những hàng mía cao to, thẳng tắp, những rẫy hoa màu xanh tươi vì vậy còn được mệnh danh “cù lao mía”.
Cánh đồng mía
Người dân thu hoạch mía
Nằm ở vị trí cuối cùng của huyện Cù Lao Dung là xã An Thạnh Nam, nơi đây có khu rừng bần ngập nước rộng khoảng 1.500 ha. Đây là khu rừng bần ngập nước rộng lớn nhất trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long có hệ sinh thái đa dạng, phong phú với nhiều loài thực vật và động vật quý hiếm.
Khu rừng bần ngập nước
Vì là rừng nguyên sinh, nên còn giữ được vẻ hoang sơ, thỉnh thoảng du khách sẽ bắt gặp vài chú khỉ treo mình trên ngọn bần chót vót, hay thoăn thoắt từ cành này sang cành nọ. Đặc biệt, ở khu rừng này có nhiều đàn dơi, cò, chim với số lượng hàng ngàn con, cộng với rất nhiều đàn ong rừng, làm tổ đầy trong rừng, có những tổ ong rừng rất to, có thể vắt lấy được hàng chục lít mật ong.
Điểm du lịch cầu tre xuyên rừng
Một điều rất thú vị là hiện tượng “ba khía hội” vẫn còn tồn tại ở nơi đây. Đây là một hiện tượng tự nhiên, vào đêm “ba khía hội” có rất nhiều con ba khía từ các nơi tập trung về bu kín rễ, thân của những cây bần, thường ở một đoạn ven sông. Những người dân chỉ lấy tay hốt ba khía bỏ vào bao và đem về chứ không phải bắt từ con như bình thường. Cũng chính từ đây, người dân đã tạo ra rất nhiều món ăn hấp dẫn từ cây bần như: canh chua cá bống sao, cá ngát, cá bông lau, cá tra bần nấu với trái bần chín; gỏi (nộm) bông bần; trái bần sống ăn với mắm sống…
Khung cảnh đậm chất Miền Tây sông nước
Người dân Cù Lao Dung rất hiền hòa, chất phát, thật thà và đặc biệt là rất hiếu khách. Đến nhà nào, bạn cũng sẽ được mời những đặc sản có trong vườn nhà như một trái dừa mát ngọt, một rổ cam hay một chùm nhãn…Ngồi nghe những lão nông tri điền kể chuyện ngày xưa khẩn hoang, be bờ, mở đất, chuyện đánh Tây bằng tầm vông, mã tấu, chuyện đánh Mỹ bằng cách đóng cọc, căng dây thép bắt “bo bo”… Chính những điều giản dị, đơn sơ ấy níu bước chân du khách chẳng muốn rời đi!
con đường làng xanh mát nên thơ
Thêm vào đó, Cù Lao Dung còn có nhiều địa điểm gắn với truyền thuyết về những dấu tích trên đường bôn tẩu của vua Gia Long (Triều Nguyễn) như rạch Long Ẩn (nơi vua trú ngụ), rạch Trường Tiền (xưởng đúc tiền lưu hành trong quá trình bôn tẩu), cồn Chén (chén vua sử dụng) vẫn là tên gọi cho đến hôm nay.
Bãi bồi