Trưng bày Online

Khám phá nét đẹp Chùa Kh'leang

Chùa Kh'leang-Nét văn hóa độc đáo của người Khmer Sóc Trăng

Chùa Kh'leang là một ngôi chùa cổ của người Khmer ở Nam Bộ. Chùa là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của đông đảo người dân địa phương. Vì vậy, đây là một trong những điểm đến bạn không nên bỏ lỡ khi hành trình du lịch Sóc Trăng.

Chùa Kh'leang-Nét văn hóa độc đáo của người Khmer Sóc Trăng

Khuôn viên chùa khá rộng, mỗi công trình đều thể hiện văn hóa kiến trúc đặc trưng của người Khmer. 

Tọa lạc trên đường Tôn Đức Thắng, khóm 5, phường 6, thành phố Sóc Trăng, chùa Kh'leang có tuổi đời 500 năm, mang vẻ đẹp rất tinh tế, kết hợp giữa phong cách Việt-Hoa trong cách bài trí và sắp xếp. Chùa nằm trong khuôn viên rộng lớn, được che bóng mát bởi các hàng cây cổ thụ, trong đó nhiều nhất là cây thốt nốt.

Chùa Kh'leang-Nét văn hóa độc đáo của người Khmer Sóc Trăng
 Chùa Kh'leang có 500 năm tuổi đời là công trình tôn giáo đầu tiên của người Khmer trên mảnh đất Sóc Trăng.

Phần lớn các công trình trong khuôn viên chùa xây dựng theo kiểu nhà sàn truyền thống của dân tộc Khmer Nam bộ xưa và được điêu khắc, trang trí màu sắc rực rỡ với họa tiết, hoa văn vô cùng tinh xảo và cầu kỳ.

Nổi bật nhất là ngôi chính điện được chia làm ba bậc nền và có hàng rào bao quanh, tạo cảm giác nền chùa chiếm diện tích lớn. Bao quanh trong và ngoài chánh điện có các cây cột làm bằng gỗ quý, khá to và được sơn son thiếp vàng. Trên đầu mỗi cột đều có tượng Krud như đang giang tay chống đỡ mái chùa. Còn ở các bậc thang dẫn lên chính điện thì được trang trí bằng tượng thần Teahu và tượng Chằn.

Mái chùa được xây theo ba nếp, nếp giữa lớn hơn hai nếp phụ. Bờ viền mái nóc còn có tượng rồng uốn lượn, đầu xòe hình rẻ quạt, đuôi cong rất độc đáo.

Bên trong chính điện thờ các vị tượng Phật theo tín ngưỡng của người Khmer. Đặc biệt có bức tượng Phật cao 6,8m, phần thân tượng cao 2,7m và được đúc vào năm 1916. Bức tượng uy nghiêm được đặt trên tòa hoa sen tỏa ánh hào quang bằng điện. Ngoài ra, chính điện còn được trang trí bằng những hình ảnh về cuộc đời của Đức Phật. Ngoài những chi tiết chính theo kiến trúc hoa văn Khmer, chánh điện còn sử dụng những hình ảnh trang trí của người Kinh ở bức cửa võng, của người Hoa là hình cá chép, rồng và các chữ Hán được vẽ trên các thân cột trong chính điện.

Nhờ lối kiến trúc độc đáo, có sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa của ba dân tộc đã tạo nên một công trình có giá cao về mặt nghệ thuật và lịch sử. Ngày 27-4-1990, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã công nhận chùa Kh'leang là di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp Quốc gia.

CHÙA KH’LEANG MỘT DI TÍCH KIỀN TRÚC NGHỆ THUẬT

26/10/2024

CHÙA KH’LEANG MỘT DI TÍCH KIỀN TRÚC NGHỆ THUẬT – MỘT ĐỊA CHỈ ĐỎ

Sóc Trăng là nơi có nhiều đồng bào khmer sinh sống, với nền văn hóa phong phú, đặc sắc, khi đến Sóc Trăng chúng ta không những được thưởng thức lễ hội rực rỡ sắc màu, những điệu múa lời ca rộn ràng. Hơn hết tất cả bản sắc văn hóa của dân tộc khmer được thể hiện rõ nét và sâu sắc nhất qua những ngôi chùa. Vì ngôi chùa có vai trò to lớn đối với cuộc sống tinh thần của đồng bào Khmer nơi đây.
Chùa Kh’leang nằm ngay trung tâm thành phố, tọa lạc trên đường Tôn Đức Thắng, thuộc khóm 5, phường 6. Có thể nói, trong các ngôi chùa Khmer ở Sóc Trăng chùa Kh’leang là ngôi chùa cổ và đẹp nhất trong địa bàn TPST. Chùa được xây dựng cách đây gần 500 năm gắng liền với những truyền thuyết của địa danh Sóc Trăng. Chính điện chùa Kh’leang được xây trên nền đất cao rộng, không gian trong xanh, đặc biệt có nhiều cây thốt nốt là cây đặc trưng của người khmer.


Cổng chùa Kh'leang

Chùa Kh’leang đã qua nhiều lần trùng tu, nhưng mãi đến 1918, Chính điện và Sala được xây dựng lại, đồng thời cũng được thay toàn bộ chất liệu. Vẫn là đặc trưng kiến trúc của người Khmer Nam bộ với hình tượng rồng trên mái. Trong tích Phật, đồng bào Khmer thường kể rằng: Rồng là con vật linh thiêng, tự nó biến mình thành thuyền để đưa Phật vượt bể tới các nơi giảng kinh cứu độ chúng sinh. Do đó, Rồng được đưa lên mái chùa với ý đồ mong muốn đức Phật dừng lại để cứu vớt họ thoát khỏi cảnh trầm luân. Tiếp giáp với mái chánh điện là hình tượng chim thần Krud đang nâng đỡ mái thật khỏe khoắn. Với truyền thuyết dân tộc Khmer, chim thần Krud là vua của các loài chim. Còn phía trước và phía sau chính điện chùa Kh’leang đều có hình tượng Chằn đứng bảo vệ chùa, trong các chuyện cổ tích khmer hay trong Dù-Kê, nhân vật Chằn là biểu tượng của cái ác, cái xấu, gây ra cảnh đau khổ cho mọi người. Tuy nhiên trong nghệ thuật tạo hình khmer, Chằn đã được thu phục bởi đức Phật. Việc đặt tượng Chằn bên ngoài chính điện hàm ý cái ác, cái xấu đã được biến cải để phục vụ, để bảo vệ cho cái đẹp cái thiện. 

Bên trong chính Điện là một gian phòng rộng dành riêng cho việc hành lễ. Ngoài 12 cột tròn, phần quan trọng nhất bên trong chính điện là bệ thờ tượng Phật Thích Ca, tượng cao 2,5m đặt ở giữa hai gian trong cùng, không những quí về chất liệu mà còn cả về nghệ thuật điêu khắc. Trên bệ thờ dày đặc những hoa văn họa tiết với các mạng điêu khắc tinh xảo, các hoa văn hình ngọn lửa rất đặc trưng nét văn hóa khmer. Nổi lên một cảm thức thẩm mỹ tinh tế vào cảm hứng. Vì theo hệ Phật giáo tiểu thừa, nên chùa của đồng bào Khmer Nam bộ chỉ thờ duy nhất Phật Thích Ca Mâu Ni với nhiều tư thế khác nhau: ngồi thiền định, mới khai sinh, đi khất thực, lúc niết bàn,v.v...

Chính điện chùa Kh'leang

Phần nội thất của chánh điện chùa kh’leang đem lại nhiều khám phá bất ngờ, thú vị cho khách tham quan đó là sự giao thoa của 3 nền văn hoá: Kinh, Khmer, Hoa trong một không gian kiến trúc, thể hiện  rõ trên những cây cột gỗ: nghệ thuật sơn mài Việt, cách phối hợp màu sắc truyền thống người Khmer và nét vẽ đặc trưng của người Hoa, tạo nên một tuyệt tác mà có lẻ chỉ riêng ở chùa Kh’leang mới có. Trong chánh điện chùa Kh’leang ta còn bắt gặp tác phẩm của người Kinh ở bức cửa võng, điều này phản ánh sự giao lưu văn hóa giữa ba dân tộc trong quá trình cộng cư lâu dài đã biết kết hợp các yếu tố tinh hoa trong nghệ thuật để học hỏi và cùng nhau phát triển. Ngoài vài trò là cơ sở tín ngưỡng, ở chánh điện chùa Kh’leang còn lưu giữ, bảo tồn bộ sưu tập về tượng phật với nhiều tư thế, kích cỡ, chất liệu khác nhau được ví như một bảo tàng nghệ thuật cổ về hiện vật. Các hiện vật này do nhiều thế hệ cao tăng đã gìn giữ hàng trăm năm qua, từ sự đóng góp gửi gắm của nhiều phật tử.

Từ khi bắt đầu xây dựng chùa cho đến nay, Chùa Kh’leang đã trải qua 21 vị đại đức trụ trì và vị trụ trì hiện nay là đại đức Tăng Nô (1943). Có vị không những chăm lo xây dựng chùa mà còn tham gia tích cực vào hoạt động cách mạng như chống bắt lính, nuôi chứa cán bộ cách mạng có tên tuổi... có vị phải hi sinh trước nòng súng của địch như Đại Đức Trần Kế An, vị sư cả trụ trì đã bị bọn địch sát hại ngay tại hậu viên chùa. Ông Huỳnh Cương nguyên phó Chủ tịch Quốc Hội, là một giảng sư Phật học tại chùa Kh’leang, cũng trong thời gian giảng dạy tại đây, ông đã sớm giác ngộ cách mạng theo lý tưởng Bác Hồ và đã hoạt động xây dựng cơ sở trong hàng ngũ học sinh, giáo viên và đồng bào sư sãi Khmer. Sau đó ông trực tiếp tham gia kháng chiến, trở thành người con ưu tú của quê hương Sóc Trăng và dân tộc Khmer Nam bộ. Vì thế, vào những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chùa vừa là nơi tổ chức sinh hoạt tôn giáo vừa là nơi hoạt động cách mạng có hiệu quả nhất của Đảng.  


Bên trong chính điện Chùa Kh'leang

Trải qua năm tháng, với ý nghĩa lịch sử quan trọng cùng với lối kiến trúc giá trị nghệ thuật còn lưu giữ, chùa Kh’leang đã được Bộ Văn hóa công nhận là di tích LS - VH cấp Quốc gia vào ngày 27/04/1990. Kiến trúc chánh điện Chùa kh’leang đã vinh dự được Bộ chọn làm mô hình và xây dựng theo nguyên mẫu tại “Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam”, mỗi năm tại chùa đã thu hút hàng ngàn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, cùng nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, dân tộc, tôn giáo đến nghiên cứu tìm hiểu về truyền thống văn hóa dân tộc khmer trên mảnh đất Sóc trăng. Chùa Kh’leang là nơi hội tụ tinh túy tinh hoa 3 dân tộc trong quá trình cộng cư lâu đời, là điểm đến lý thú của du khách gần xa khi đến với ngôi chùa.

Tượng thần Krút
Tượng Visnu
Tượng phụ nữ Việt Nam
Tượng Visnu

Các chủ đề trưng bày khác