Thông tin giới thiệu
Nếu có dịp ghé thăm Bửu Sơn Tự du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu nét độc đáo về đời sống văn hóa, tinh thần, sinh hoạt tôn giáo của người dân Sóc Trăng. Bửu Sơn Tự còn gọi chùa Đất Sét tọa lạc tại số 286, đường Tôn Đức Thắng, khóm 1, phường 5, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Chùa Đất Sét không nổi tiếng về kiến trúc xây dựng bên ngoài cũng như không quy mô bề thế về diện tích nhưng lại là một ngôi chùa độc đáo ở Việt Nam bởi hàng ngàn hiện vật bên trong đều được tạo hình từ đất sét và sở hữu những cặp đèn cầy, những cây nhang khổng lồ.
Cổng vào Bửu Sơn tự (tức chùa Đất Sét)
Theo như lời kể của các vị cao niên, trước đây Bửu Sơn tự chỉ là một am nhỏ được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XIX, do ông Ngô Kim Tây xây dựng với mục đích tu tại gia. Lúc đầu chùa được làm hoàn toàn bằng những vật liệu tự nhiên sẵn có như: Tre, nứa, tranh,… Mãi đến đời trụ trì thứ tư, ông Ngô Kim Tòng (1909 – 1970) am nhỏ được tôn tạo, mở rộng thêm để có ngôi Bửu Sơn tự như bây giờ.
Chánh điện
Bửu Sơn tự có diện tích khoảng 400m2 với kiến trúc chân phương cột gỗ mái tôn nhưng ngôi cổ tự này lại chứa đựng trong đó nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật rất độc đáo. Đó là gần 2.000 tượng phật lớn nhỏ, cùng với linh thú, vật thờ được nghệ nhân Ngô Kim Tòng nặn bằng đất sét trong suốt 42 năm (từ năm 1929 đến năm 1970). Du lịch Sóc Trăng, đến thăm chùa Đất Sét ai cũng trầm trồ thán phục và ngưỡng mộ bậc kỳ tài đã dùng tâm quyết cả đời và lòng mến mộ Phật pháp đã sáng tạo ra công trình đầy kỳ công này.
Mộ phần ông Ngô Kim Tòng
Ông Ngô Kim Tòng là con của ông Ngô Kim Đính, khi còn nhỏ ông hay đau ốm bệnh tật. Đến năm 1929, lúc ấy Ông 20 tuổi thì lâm bệnh nặng tưởng không qua khỏi, gia đình chỉ còn cách đưa ông Tòng lên ngôi chùa trên núi thuộc tỉnh An Giang để chữa trị và cầu khấn trời Phật. Vừa uống thuốc vừa tập ngồi thiền, tĩnh tâm, dần dần ông đã khoẻ lại.
Ông Ngô Kim Tòng đi tu và về chùa trụ trì đời thứ tư, một nghệ nhân không qua trường lớp điêu khắc, hội hoạ, không học ông thầy dạy chính qui mà chỉ qua chiêm nghiệm dân gian đã tạo nên những công trình kỳ vật điêu khắc bằng đất sét có giá trị lịch sử tôn giáo vô cùng quý hiếm.
Nguyên liệu dùng cho việc nặn tượng chủ yếu bằng đất sét, do Ông Tòng đào từ những cánh đồng cách chùa vài cây số, đem về phơi khô, rồi bỏ vào cối dùng chày giã nhuyễn cho mịn ra, lọc hết tạp chất, rễ cây, rễ cỏ, lấy đất mịn trộn cùng mạc cưa làm nhang (bột hương) và keo ô dước tạo thành một hỗn hợp dẻo thơm. Lúc đó, Ông mới bắt đầu nắn tượng, những bức tượng mịn màng, không nứt nẻ. Ngoài ra, Ông còn nghiên cứu và ứng dụng cách đỡ cho việc nặn tượng đạt yêu cầu thẩm mỹ cao, Ông đã dùng lưới kẽm, cây gỗ dựng sườn, sau đó dùng vải mùng bao lại và đắp nguyên liệu hỗn hợp làm tượng lên, bề ngoài được phủ bằng một lớp sơn nước kim nhũ và dầu bóng. Không chỉ có đôi tay khéo léo, tài hoa mà với tư duy tưởng tượng vô cùng phong phú của ông hàng trăm bức tượng lớn, nhỏ được hình thành mà không trùng lắp. Mỗi tượng một vẻ, thể hiện rõ cái thần sắc trên từng khuôn mặt. Đó còn là kết quả từ cái tâm của người có lòng hướng Phật, sự miệt mài cần mẫn, lặng lẽ nhưng mang lại vị ngọt cho đời.
Bước qua cổng tam quan của chùa thẳng theo con đường bê tông vào cửa bên hông, ta sẽ bắt gặp một chú voi to màu trắng cao khoảng 2m như đón chào khách tham quan, sau đó đến gian chính thờ Phật. Nét tiêu biểu trong cách bố trí tượng Phật ở đây nói lên tư tưởng “Tam giáo cộng đồng” (Phật-Nho-Lão) với hệ thống Phật: A Di Đà, Quan Thế Âm Bồ Tát, Khổng Tử, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Lão Tử, Phật Di Lặc,.…
Ban thờ Mẫu
Bàn thờ Đức Phật Thầy Tây An là người sáng lập đạo Bửu Sơn Kỳ Hương.
Ông Ngô Kim Tòng còn tạo nên các tác phẩm khác, trông đó nổi bật nhất là tháp Đa Bảo được làm 1939 lúc ông mới 30 tuổi, cao khoảng 4m được thiết kế hết sức tinh vi. Tháp có 13 tầng, mỗi tầng có 16 cửa, mỗi cửa có một tượng Phật, tổng cộng tháp Đa Bảo có 208 cửa, 208 vị phật và xung quanh tháp có 156 con rồng uốn lượn chuyển mình đang trong tư thế bay vút lên trời cao, hộ pháp cho tháp.
Bảo Tòa là công trình đặc sắc thứ 2 được xây dựng vào năm 1940, cao khoảng 2m. Trên có hoa sen với 1000 cánh theo hình bát giác, dưới có 16 tiên nữ đứng hầu. Chân tháp tạo hình 4 con vật trong tứ linh (lân, long, quy, phụng) và 12 con cá hóa long đặc sắc, sinh động và đầy ấn tượng. Nhìn tổng thể tòa tháp và đài sen này, du khách sẽ nghĩ ngay đến một nhà điêu khắc tài ba lỗi lạc đã tận dụng giáo lý Phật pháp để sáng tạo ra những pho tượng biết nói ý Phật.
Tháp Đa Bảo và Bảo Tòa Liên hoa của chùa được cấp bằng xác nhận kỷ lục là hai hiện vật nhà Phật làm từ đất sét lớn nhất Việt Nam.
Trong gian thờ phía trên trần nhà, có treo một chùm đèn gọi là “Lục Long Đăng” cũng bằng chất liệu đất sét, gồm ba chóp đỉnh với 6 con rồng uốn cong như tượng trưng cho lục tỉnh miền Tây Nam bộ, đuôi chụm vào nhau, đầu trổ ra các phía. Thân rồng được làm hoàn toàn bằng đất sét với nhiều chi tiết tinh xảo, nên trọng lượng khá nặng. Đáy đèn là một tòa sen lặt úp tỏa cánh xuống điện thờ, cánh sen khá mỏng nhưng theo dấu thời gian Lục Long Đăng không hề rơi hay sứt mẽ tí nào. Đây là một kiệt tác nghệ thuật hiếm có và là tác phẩm cuối đời của Ông.
Chung quanh chùa, góp phần canh giữ cho hệ thống các tượng Phật, còn nhiều tượng thú cũng bằng đất sét, nổi bật nhất và sắc sảo nhất là cặp Kim Lân đang ngẩng cao đầu trước bệ thờ giữa điện, ngậm trái trân châu, chân gác lên quả cầu trông thật oai phong lẫm liệt, thêm tượng Thanh Sư, Bạch Hổ, Long Mã,.. con thì hiền lành con thì hết sức oai phong.
Chùa Đất Sét không chỉ nổi tiếng bởi hàng ngàn bức tượng làm bằng đất sét mà còn được du khách biết đến bởi 04 cặp đèn cầy (nến) khổng lồ khá đặc biệt.
Những năm cuối đời ông tạm ngưng đắp tượng, tiến hành đúc đèn cầy dựng tại các toà chánh điện trong chùa. Ông mua sáp bạch lạp loại sáp nguyên chất, không lẫn tạp từ Sài Gòn về nhiều lần cùng các đệ tử thân tín chặt vụn sáp nguyên khối nấu chảy ra rồi mới “đúc” đèn. Do các đôi đèn này có kích thước quá to nên ông Ngô Kim Tòng không tìm được khuôn thích hợp nên ông đã dùng tôn lợp nhà làm khuôn, sáp đổ vào chảo lớn nấu liên tục nhiều ngày đổ liên tục đến khi đầy ống tới chiều cao 2 mét.
Cặp đèn cầy (nến) khổng lồ
Sau một tháng, các đôi đèn mới khô hẵn, khi dỡ bỏ khuôn, các đôi đèn này tự nhiên có hình dợn sóng của các tấm tôn, mấy tháng ròng liên tục làm như vậy ông đúc được sáu cây đèn cầy lớn (3 cặp), mỗi cây nặng 200 kg, ước tính mỗi cặp sẽ cháy liên tục hơn 70 năm và hai cây đèn cầy nhỏ mỗi cây nặng 100 kg cặp đèn cầy được thắp sáng vào ngày rằm tháng bảy năm 1970 kể từ ngày ông Ngô Kim Tòng viên tịch cháy liên tục hơn 40 năm nay còn gần 1/5 cây.
Cây nến đến nay vẫn còn cháy.
Những tác phẩm được làm từ đất sét do ông Ngô Kim Tòng tạo dựng cách đây hơn 60 năm vẫn còn nguyên vẹn với thời gian. Tuy nhiên, điều mà tất cả du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng và các nhà khoa học chưa thể lý giải nổi, tất cả những công trình nổi tiếng và kỳ lạ hàng đầu thế giới này lại được tạo nên bởi một người tu hành mới học hết lớp 3 trường làng và không hiểu biết gì về nghệ thuật hội hoạ.
Với những giá trị đó, chùa được xếp hạng là di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh vào ngày 10.12.2010 và ngày 18.7.2013, Tháp Đa Bảo và Bảo Tòa Liên hoa của chùa được cấp bằng xác nhận kỷ lục là hai hiện vật nhà Phật làm từ đất sét lớn nhất Việt Nam.