Tin tức

Di tích lịch sử Trường TaBerd

81

Di tích lịch sử Trường TaBerd

Khu di tích lịch sử - Văn hóa cấp Quốc Gia Trường Taberd Sóc Trăng. Nằm trong nội ô của thành phố Sóc Trăng tọa lạc tại số 19, Tôn Đức Thắng, Phường 6, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. 4 mặt tường rào tiếp giáp với 4 con đường nội ô của thành phố. Diện tích của di tích là (34,8 x 23,2) hơn 807,36m2 . Sở dĩ Khu di tích có tên gọi là Trường Taberd, vì xưa kia đây là trường Tiểu Học nội trú của tổ chức công giáo Pháp, được xây dựng vào năm 1912. Trường có khuôn viên rộng 11.128m2, có sức chứa vài ngàn người. Cách Trường không xa khoảng 100m đi về hướng tây nam trên trục đường Tôn Đức Thắng, chúng ta sẽ gặp cây cầu C247 xưa kia có tên là cầu Nổi hay cầu Quay, bắt ngang con sông Maspero thông thương với sông Đại Ngãi đổ ra biển Đông, ra Côn Đảo.

Vì sao Trường Taberd, một cơ sở giáo dục của Thực dân Pháp lại được Chính phủ ta công nhận là di tích lịch sử Văn hóa cấp Quốc Gia ?

Đó là vì nơi đây đã ghi dấu một sự kiện cách mạng có ý nghĩa quan trọng, ghi nhận sự đóng góp to lớn của Đảng bộ, quân và dân Sóc Trăng trong công cuộc kháng chiến chống Pháp .
Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đảng ta nhanh chóng củng cố xây dựng chính quyền cách mạng, ổn định xã hội, chăm lo đời sống cho nhân dân. Đồng thời, đối phó với âm mưu trở lại xâm lược của Thực dân Pháp. Tại Miền Nam,  Xứ Uỷ Nam Kỳ giao cho Tỉnh Ủy Sóc Trăng một nhiệm vụ quan trọng và cấp bách, đó là việc tổ chức đón rước các cán bộ chiến sĩ từ Côn Đảo trở về.
07 giờ tối ngày 23/9/1945, đoàn tàu ghe chở khoảng 2.300 người, trong đó có hơn 1.800 người là tù Chính Trị  từ Côn Đảo đã về tới Sóc Trăng cập bến Cầu Nổi cũng là cảng Cầu Tàu lục tỉnh. 
Và Trường Taberd với khuôn viên rộng rãi và ở cạnh bên cầu Nổi đã được chọn làm nơi dừng chân, nghỉ dưỡng của các chiến sĩ tù chính trị Côn Đảo từ ngày 23/9 đến ngày 30/9/1945. 
Tại đây các chiến sĩ tù chính trị Côn Đảo đã được hàng ngàn đồng bào Sóc Trăng chào đón  nhiệt tình giữa rừng đuốc, rừng cờ và biểu ngữ. Đ/c Dương Kỳ Hiệp dẫn đầu đoàn cán bộ Tỉnh Ủy Sóc Trăng ra tận nơi đón đoàn và hướng dẫn đưa đoàn về Trường Taberd Sóc Trăng để nghỉ ngơi và chăm sóc. 

Hàng chục tấn gạo, đường muối, hàng trăm con heo, gà, vịt và hàng ngàn bộ quần áo, chăn, chiếu, mùng, ván… được nhân dân quyên góp để chuẩn bị đón đoàn, một đội phục vụ gồm hàng trăm nam nữ thanh niên đã ở trong tư thế sẵn sàng phục vụ.
Sau ngày 30/9/1945, đoàn chiến sĩ tù chính trị Côn Đảo lên đường về Cần Thơ để nhận nhiệm vụ mới. 
Qua việc đón rước và chăm sóc Đoàn tù chính trị  Côn Đảo, Đảng bộ và nhân dân Sóc Trăng đã hoàn thành xuất sắc một nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, đưa cách mạng Việt Nam từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng của sự kiện, ngày 11/6/1992, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH,TT & DL) quyết định công nhận Trường Taberd Sóc Trăng  là di tích Lịch sử cấp quốc gia, thuộc loại hình di tích lịch sử cách mạng. 
Trong phòng trưng bày đươc bố trí với 6 nội dung lớn : 
Nội dung thứ nhất là “Nhà tù Côn Đảo – Địa ngục trần gian” : gồm một số  hình ảnh  của nhà tù Côn Đảo và các tù nhân được chụp lại thể hiện  một phần nào sự đày đọa, tra tấn dã man các tù chính trị trong nhà tù thực dân. 
Nội dung thứ hai là  Sự kiện Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công : 
Trong không khí sôi sục cùng với  nhân dân cả nước khởi nghĩa cướp chính quyền, Sáng sớm ngày 25/8/1945 nhân dân Sóc Trăng với hàng chục ngàn người  xuống đường tiến về quảng trường “ Hai hình”,  kéo đổ tượng Hai hình và tập trung trước Dinh tỉnh trưởng Sóc Trăng mit – tinh, diễu hành cướp chính quyền, chỉ trong 2 ngày 25 và 26 tháng 8 chính quyền các cấp trong tỉnh đã về tay nhân dân.  Cuộc tổng khởi nghĩa của nhân dân Sóc Trăng đã giành thắng lợi rực rỡ.
Nội dung thứ ba là : Sự kiện đón rước đoàn tù Chính Trị từ Côn đảo về đất liền
Tuy nhiên ngay sau khi giành được chính quyền, nước ta  vừa giành được độc lập, nhân dân ta phải đối đầu với muôn vàn khó khăn. Đó là: giặc đói, giặc dốt và đặc biệt hơn hết là giặc ngoại xâm: Miền Bắc 18 vạn quân Tưởng, theo sau là bọn Việt gian theo lệnh Mỹ kéo vào. Miền Nam quân Anh, theo sau chúng là quân Pháp cùng 6 vạn quân Nhật, đang nằm tại chỗ chưa giải giáp.
Mặc dù kẻ thù có mâu thuẩn nhau về quyền lợi, nhưng chúng điều có chung mưu đồ là hủy diệt những thành quả mà nhân dân ta đã giành được, đồng thời triệt tiêu Đảng Cộng Sản Việt Nam để thôn tính  nước ta một lần nữa. 

Đứng trước tình thế như “Ngàn cân treo sợi tóc”, Tại Sài Gòn, đêm 25/8/1945 Xứ Ủy Nam Kỳ tổ chức cuộc họp tại nhà đ/c Phạm Ngọc Thạch để bàn việc tổ chức đón rước, đồng thời đã ra nghị quyết:
1. Thành lập Ủy Ban ủng hộ Chính trị Phạm, đặt trụ sở tại tòa soạn Báo Dân Chúng.
2. Giao cho hai đ/c: Đ/c Đào Duy kỳ và đ/c Nguyễn Công Trung phụ trách tổ chức đón các đồng chí ở Côn Đảo về tham gia xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng.
3. Điện cho Ủy Ban cách mạng Lâm Thời các tỉnh ven biển phải “ủng hộ và đáp ứng các yêu cầu của Ban tổ chức đón rước,…”
Về phương tiện, Xứ Ủy giao cho hai đ/c Tưởng Dân Bảo và đ/c Lý Văn Chương chịu trách nhiệm vận động các ghe tàu đi biển của dân phục vụ việc đón rước.
Sau khi huy động được 30 chiếc tàu ghe, trên đường xuất phát ra Côn Đảo đến địa phận Cồn Nóc (Sóc Trăng), do một số trở ngại từ phía địch phá và một trở ngại khác nữa là tàu kéo, tàu Phú Quốc bị hỏng, không những thế khi kiểm tra kỉ, còn thấy một số ghe cở nhỏ khác không đảm bảo ra khơi. Nên ngày 15/9/1945 đ/c Tưởng Dân Bảo liền cho tập kết tại Đại Ngãi ghé qua Sóc Trăng để báo cáo lại tình hình đồng thời yêu cầu Tỉnh Ủy Sóc Trăng giúp đỡ: tìm thợ giỏi sửa chữa tàu, tìm thêm ghe biển cở vừa để đảm bảo tốt cho chuyến đi, về.  
Nhận được yêu cầu, Tỉnh Ủy - Ủy Ban Lâm Thời tỉnh Sóc Trăng đã đáp ứng các yêu cầu này thật kịp thời và xuất sắc. Sáng ngày 18/9/1945 đoàn tàu ghe gồm 27 chiếc nhổ neo xuất phát.
chiều tối Ngày 22/9/1945 đoàn ghe 25 chiếc về đến bến Đại Ngãi. Còn chiếc Ca-Nô do Bác Tôn Đức Thắng lái chở theo 12 đồng chí khác, do thời tiết xấu bị chệch hướng, nên cặp bến Mỹ Thanh (địa phận Sóc Trăng). Sau đó các đồng chí cũng được chuyển về Sóc Trăng tập trung tại trường Taberd. 
Ngày 24/9  Một cuộc mit-tinh lớn được tổ chức tại sân trường Taberd mừng đoàn tù Chính trị về với dân với Đảng.
Nội dung thứ tư là : Đại bàng tung cánh …..:……..
Sau 7 ngày được chăm sóc, nghỉ dưỡng sức tại Trường Taberd, các chiến sĩ tù chính trị Côn Đảo nhanh chóng trở về Cần Thơ , tập kết ở Đình Tân An để học tập chính trị và nghe tình hình thời sự .
Nội dung thứ 5 là : Các nhân vật tiêu biểu …………………..
Trải qua hai thời kỳ kháng chiến, trong số các chiến sĩ  bị tù đày ở Côn Đảo trở về năm xưa, đã có một đồng chí trở thành Chủ tịch nước, đó là đ/c Tôn Đức Thắng, hai đồng chí là  tổng Bí Thư của Đảng Cộng Sản Việt Nam,  là đ/c Lê Duẩn, và  đ/c Nguyễn Văn Linh ), một đ/c là Chủ tịch Hội đồng Bộ Trưởng đó là đ/c Phạm Hùng và nhiều đ/c khác trở thành cán bộ cấp cao của Đảng - Nhà nước và quân đội ta.
Và nội dung thứ 6 là : Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng:
Tại đây chúng ta được giới thiệu một một số hình ảnh về cuộc đời hoạt động của Bác Tôn Đức Thắng cùng bức tượng bán thân của Người được đặt long trọng ở vị trí trung tâm phòng trưng bày và mô hình hầm xay lúa nơi Bác Tôn và các bạn tù bị giam giữ, bị buộc lao động khổ sai . 

Tin cùng chủ đề